Chương trình học
Chương trình học của SNK được nghiên cứu và xây dựng dựa trên các chương trình học hiện đại phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Đó là sự kết hợp khéo léo của các giáo trình cơ bản và các phương pháp giáo dục hàng đầu hiện nay: Steam+N, Reggio Emilia, Montessori, dạy học Dự án, dạy học Tích hợp. Sự kết hợp này mang đến cho trẻ nhỏ sự hứng khởi và khơi gợi tư duy giải quyết vấn đề một cách tự nhiên cho trẻ. Thông qua đó trẻ sẽ từ từ phát triển các kỹ năng: giao tiếp, hợp tác, hoà nhập, xử lý thông tin, độc lập.
Với việc chọn lựa những ưu điểm của các phương pháp để kết hợp với nhau. Chúng tôi mong muốn trẻ được tiếp nhận những điều tốt đẹp nhất, mang đến cho trẻ một môi trường học tập thân thiện, yêu thương. Chúng tôi tôn trọng sự phát triển tự nhiên, sự độc lập, sự khác biệt về tính cách, năng lực của từng đứa trẻ. Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của phụ huynh trong việc tìm kiếm môi trường giáo dục tốt cho con em. Chúng tôi mong muốn trẻ trở thành:
Một cá nhân tự tin, năng động
Một cá nhân độc lập trong suy nghĩ và định hướng
Một cá nhân biết quan tâm, chia sẽ
Một cá nhân có kỹ năng hoà nhập
SNK luôn lựa chọn những dự án học gần gũi với các bé như: dự án chong chóng, dự án đồ tái chế, dự án gia đình,…Mỗi dự án đều lồng ghép những kiến thức STEAM ở đó. Qua mỗi dự án các bé sẽ tạo ra được những sản phẩm thực, hữu dụng trong cuộc sống, điều đó tạo cho bé hứng khởi và niềm yêu thích đến trường, thích khám phá tìm hiểu các vấn đề trong cuộc sống. Đó chính là mục tiêu mà giáo dục mà SNK luôn hướng tới.
1/ Phương pháp Giáo dục Steam+N (STEAMN)
STEAM là ý tưởng sáng tạo ban đầu của Trường thiết kế Rhode Island (Mỹ), sau đó được sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục và dần dần lan rộng ra cả Hoa Kỳ. Giáo dục STEAMN là một khái niệm dạy học kết hợp giữa nghệ thuật (Art) với các môn học STEM truyền thống là: Sciene (khoa học), Technology ( công nghệ), Engineering (kĩ thuật), Mathematics (toán học), Natural (thiên nhiên). STEAM nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống lý thuyết, với mục đích giúp học sinh hiểu được sự liên quan giữa các khối kiến thức với thực tế.
Giáo dục STEAM khám phá các môn học nhưng kết hợp tư duy sáng tạo và nghệ thuật ứng dụng vào giảng dạy, cùng các tình huống thực tế. Truyền cảm hứng luôn là một yếu tố quan trọng để trẻ tìm thấy đam mê và phát huy tiềm năng bản thân. Nội dung kiến thức trong giáo dục STEAM không khác nhiều với chương trình giáo dục thông thường nhưng khuyến khích học sinh tìm ra giải pháp thực tế cho mỗi vấn đề đang gặp phải. Các em được tham gia nhiều vào các hoạt động thảo luận, chẳng hạn như tìm giải pháp về sự suy giảm nguồn nước, vấn đề y tế theo những cách thức gần gũi để rèn luyện tư duy sáng tạo, luôn biết liên hệ đến thực tế.
Lợi ích của STEAM mang lại cho giáo dục mầm non như thế nào?
Trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, qua những lời nói suông, giảng giải mà học qua chính những trải nghiệm – thực làm, thực học. Đặc điểm tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Vì thế khi cho trẻ quan sát và thực hiện một thí nghiệm khoa học, sẽ tập trung vào việc đặt câu hỏi để trẻ tự nói ra những thay đổi, những hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và nghe thấy. Không giải thích dài dòng về nguyên lý khoa học, mà tập trung vào giúp trẻ phát hiện những diễn biến của hiện tượng. Với các nguyên lý khoa học phức tạp trẻ sẽ tiếp tục được tiếp cận ở các cấp học cao hơn.
Trong giáo dục STEAM, khi đặt các câu hỏi cho trẻ sẽ sử dụng những câu hỏi ở dạng “mở”, những câu hỏi giúp trẻ huy động vốn kinh nghiệm, hiểu biết, như: con gì đây? con biết gì về quả cam? con có thể kể cho cô nghe con đã xếp ngôi nhà này như thế nào không?…hay các câu hỏi kích thích trẻ tìm hiểu như: tại sao con không thử làm xem?…hoặc khuyến khích trẻ suy luận, phán đoán như: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho 1 ít giấm vào cốc bột nở này nhỉ?…hay khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ kiểu con có thấy đĩa kẹo bây giờ giống với thứ gì đó mà con đã biết không?
Trẻ mầm non không học kiến thức hàn lâm, vĩ mô mà trẻ học về tất cả những gì diễn ra xung quanh, ngay trong chính cuộc sống thực. Trẻ học không chỉ để ghi nhớ và trả bài, mà trẻ học nhanh nhất khi điều đó được ứng dụng vào chính cuộc sống hàng ngày. Vì thế, mỗi kiến thức hay kỹ năng sẽ trở nên có nghĩa với trẻ khi bài học đó gắn với việc tạo ra một sản phẩm cụ thể như: Chiếc đèn phát sáng, ô tô, chong chóng quay, máy bay, chiếc đèn lồng, chiếc giỏ, quả bóng, chú hề đáng yêu,…để mỗi nguyên lý khoa học trở nên cụ thể, được trẻ ứng dụng trực tiếp, sáng tạo ra một món đồ dùng đồ chơi yêu thích, từ đó sẽ tác động mạnh mẽ đến hứng thú và sự say mê tìm tòi của trẻ.
Hoạt động đóng vai trong giai đoạn này đối với trẻ mầm non vô cùng quan trong. Trẻ thích là người lớn, nhưng vốn kinh nghiệm sống chưa đủ để trẻ “làm người lớn” thật sự. Như vậy thì người lớn có thể cho trẻ tham gia vào các hoạt động STEAM dưới dạng các trò chơi đóng vai và thông qua đó trẻ cũng sẽ nhập vào những vai mà bản thân trẻ thích, trẻ muốn bản thân được như vậy (Đóng vai nhà khoa học, kỹ sư xây dựng, nhà thám hiểm, đầu bếp, bác sĩ, lính cứu hoả,…). Giao nhiệm vụ, tạo được hứng thú cho trẻ khám phá sẽ giúp trẻ tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn.
Với mục tiêu “chơi thông minh và học vui vẻ”, SNK tiếp cận dạy học theo phương pháp STEAM chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng STEAM mang lại cho trẻ những trải nghiệm hoàn toàn thực tế và mới mẻtrên cơ sở tôn trọng sự sáng tạo của trẻ, giáo viên chỉ là người đưa ra vấn đề, khơi gợi sự tò mò, còn các bé sẽ là người giải quyết vấn đề, từ đó sẽ tác động mạnh mẽ đến hứng thú và sự say mê tìm tòi của trẻ.
2/ Phương pháp Dạy học Dự án:
Tiếp cận dự án là hoạt động khám phá sâu về một chủ đề liên quan đến môi trường xung quanh trẻ. Trẻ em thực hiện một dự án dựa trên những sở thích, kinh nghiệm, ý tưởng của mình và nhiều vấn đề trong các nhóm nhỏ hoặc đôi khi là những vấn đề của chính bản thân trẻ.
SNK luôn lựa chọn những dự án học gần gũi với các bé như: dự án chong chóng, dự án đồ tái chế, dự án gia đình,…Mỗi dự án đều lồng ghép những kiến thức STEAM ở đó. Qua mỗi dự án các bé sẽ tạo ra được những sản phẩm thực, hữu dụng trong cuộc sống, điều đó tạo cho bé hứng khởi và niềm yêu thích đến trường, thích khám phá tìm hiểu các vấn đề trong cuộc sống. Từ đó trẻ được thử thách trí tuệ, phát thể chất, tình cảm – xã hội lành mạnh, kết nối trẻ với cộng đồng và cung cấp cho trẻ những kinh nghiệm thế giới thực bên ngoài lớp học.
3/Phương pháp Giáo dục Montessori:
Phương pháp Giáo dục Montessori bao gồm các môn học: Ngôn ngữ, Toán học, Cảm quan, Kỹ năng cuộc sống và Văn hoá.
Ngôn ngữ: Để giúp trẻ tiếp thu tốt và nâng cao phát triển về mặt ngôn ngữ, phòng học Montessori được thiết kế đặc trưng để trẻ có thể nghe rõ và hiểu được những âm thanh, các từ ngữ có ý nghĩa, phân biệt những ký hiệu nào dùng để viết, để nói. Việc học ngôn ngữ bằng phương pháp Montessori không thực hiện qua các chủ đề như lớp học thông thường, trẻ sẽ được học với tốc độ của riêng mình, cùng với các giáo cụ học tập đặc biệt, hỗ trợ trẻ phát triển năng lực giao tiếp, thể hiện, tổ chức, phân loại và phát triển suy nghĩ.
Toán học: Thông qua các tài liệu và dụng cụ toán học, phương pháp Montessori sẽ giúp trẻ bước đầu tiếp cận những khái niệm căn bản về quy luật số học. Sau đó, trẻ sẽ được học và tìm hiểu về những khái niệm nâng cao hơn, trừu tượng hơn bằng các hoạt động cụ thể với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên.
Cảm quan: Các giáo cụ cảm quan sẽ khuyến khích trẻ sử dụng thị giác, thính giác, xúc giác, các kỹ năng vận động khi được tiếp xúc với thế giới của âm thanh, màu sắc, kết cấu, khối lượng và hình dạng, từ đó trẻ có thể tự khám phá và rút ra những kiến thức về môi trường xung quanh.
Kỹ năng cuộc sống: Dựa vào sự hứng thú của trẻ khi được bắt chước người lớn thực hiện những công việc đơn giản trong thực tế cuộc sống hằng ngày, phương pháp Montessori sử dụng trực tiếp những đồ vật quen thuộc để trẻ thực hành các hoạt động hàng ngày (như tự cài nút áo, rót nước, thu dọn đồ chơi, xếp quần áo,…), giúp nâng cao khả năng phối hợp hành động và sự tập trung ở trẻ.
Văn hóa: Phương pháp Montessori còn chú trọng đến việc phát triển trí tưởng tượng và sự hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh. Trẻ sẽ được giới thiệu về văn hóa, phong tục, lễ hội, sự kiện… của địa phương; cũng như được khám phá về môi trường, thiên nhiên, giúp trẻ nhận biết được các nét đặc trưng của xã hội, hình thành trong trẻ những kiến thức căn bản đầu tiên về thế giới xung quanh.
4/Phương pháp Giáo dục Reggio Emilia:
Điểm cốt lõi của quan đểm giáo dục Reggio Emilia là nhấn mạnh vào việc duy trì và xây dựng các mối quan hệ. Nghĩa là, không cần nghĩ quá nhiều về việc đứa trẻ tự mình phát triển bản thân như thế nào mà là sự phát triển của đứa trẻ trong sự tương tác và trưởng thành với mọi người xung quanh. Nuôi dưỡng sự sáng tạo thông qua làm việc với các vận dụng bằng tay hoặc sáng tạo nghệ thuật, đó là một môi trường phản ánh những giá trị chúng ta muốn giao tiếp với trẻ.
5/ Phương pháp Giáo dục tích hợp :
Giáo dục tích hợp là sự đan xen, kết hợp các nội dung và hoạt động giáo dục phù hợp để tạo nên một giờ học đặc biệt tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện các lĩnh vực về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – xã hội, thẩm mỹ, kỹ năng sống ở trẻ.
6/Chương trình tiếng Anh
Tại SteamN Kids Preschool, chúng tôi tin rằng lớp học mầm non không chỉ là nơi để trẻ vui chơi và được chăm sóc tốt nhất mà còn là môi trường học tập để trẻ được phát triển toàn diện và tiếng Anh được nhà trường đặc biệt chú trọng đầu tư.
Với việc đưa tiếng anh vào chương trình học hàng ngày cùng các giáo viên chất lượng, chương trình học được thiết kế khoa học theo chủ đề, phương pháp giáo dục gần gũi, vui vẻ, lồng ghép vào các hoạt động vui chơi, trẻ sẽ được tiếp xúc với tiếng Anh một cách tự nhiên và chuẩn xác, giúp trẻ tự tin trong việc giao tiếp, học hỏi.